Từ lâu, Trà Ô Long là cái tên được nhắc đến nhiều trong giới trà đạo. Chính nhờ sự đa dạng và phong phú trong mẫu mã và những lợi ích đáng kể đối với sức khỏe của con người, mà trà Ô Long ngày càng được nhiều người lựa chọn và tin dùng. Trong bài viết này, Bách Liên mời bạn cùng khám phá những lợi ích mà loại trà này mang lại cho chúng ta nhé!
Nguồn gốc của Trà Ô Long
Trà ô long là một loại trà truyền thống có nguồn gốc từ Trung Quốc. Loại trà này được làm từ lá của cây Camellia sinensis, loại cây cũng được sử dụng để làm trà xanh và trà đen nhưng sự khác biệt đến từ quy trình chế biến trà.
Mọi lá trà đều có chứa một số loại enzyme nhất định để khi vào quá trình oxy hóa, lá trà xanh sẽ thành màu đen sậm. Trà xanh là trà không áp dụng quá trình oxy hóa, trà đen được oxy hóa cho đến khi nó chuyển sang màu đen còn trà ô long thì được oxy hóa một phần. Chính quá trình oxy hóa một phần này tạo nên màu sắc và hương vị đặc trưng cho trà ô long. Tuy vậy, màu sắc của lá trà có thể có sự khác biệt tùy thuộc vào từng thương hiệu trà, từ màu xanh lá cây đến màu nâu sẫm.
Trong trà ô long có chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất và những chất chống oxy hóa rất tốt. Một tách trà ô long đã pha sẽ có chứa khoảng:
- Kali: 1% nhu cầu hàng ngày
- Natri: 1% nhu cầu hàng ngày
- Magie: 1% nhu cầu hàng ngày
- Niacin: 1% nhu cầu hàng ngày
- Mangan: 26% nhu cầu hàng ngày
- Fluoride: 5 – 24% nhu cầu hàng ngày
- Caffeine: 36 mg
Một số chất chống oxy hóa trong trà, gọi là polyphenol có thể kể đến như theaflavin, thearubigins và EGCG. Trà ô long cũng chứa theanine, một loại axit amin có chức năng trấn tĩnh và thư giãn.
Quy trình sản xuất Trà Ô Long
1. Phơi khô: Lá trà vừa mới hái sẽ được làm dập nhẹ. Những chiếc lá sau đó được phơi dưới ánh nắng mặt trời trong vài giờ đến lúc khô héo và mất đi một phần độ ẩm trong lá trà. Công đoạn phơi khô sẽ làm mềm lá trà, giúp lá trà không bị dập nát trong quá trình quay trà ở các bước tiếp theo.
2. Làm mát: Lá trà cần thời gian để hạ nhiệt sau quá trình phơi khô. Khi lá đã nguội hoàn toàn, chúng sẽ bắt đầu héo và xẹp xuống.
3. Quay nhẹ: Quy trình quay sẽ giúp trà có được hình dáng và hương vị đặc trưng. Khi quay những chiếc lá trà đã phơi khô, các thành tế bào của lá sẽ bị phá vỡ, giải phóng các enzyme và tinh dầu làm thay đổi hương vị của lá
4. Oxy hóa: Mức độ oxy hóa của các loại trà rất khác nhau từ 8% đến 80%, do đó màu sắc và hương vị cũng rất khác nhau tùy nhà sản xuất trà.
5. Xào trà: Sau khi lá trà được oxy hóa đến mức độ mong muốn, nhiệt độ nóng sẽ chặn quá trình oxy hóa lại và bắt đầu làm khô lá.
6. Quay lần hai: Điểm đặc trưng của trà ô long chính là hình dạng. Lần quay trà thứ hai này sẽ quyết định đến hình dạng và hương vị cuối cùng của trà.
7. Sấy khô: Lá trà sau khi đã định hình sẽ được đem đi sấy khô. Quá trình sấy khô rất quan trọng bởi trà sấy khô hoàn toàn mới có thể bảo quản được lâu.
8. Thành phẩm: Trà được phân loại bằng tay, hút chân không, sau đó đem đóng gói thành trà thành phẩm. Trà ô long cuối cùng thường có màu xanh đen, vo thành viên với kích thước khoảng 5 – 8mm.
Phân loại trà ô long
Nhiều người hay nhầm lẫn Ô Long là tên một loại trà. Thật ra nó là một nhóm trà (cũng giống như nhóm trà xanh, nhóm trà đen…) gồm bất cứ loại trà nào oxy hoá một phần từ 8% đến 80%. Độ oxy hóa được phản ánh qua màu sắc của nước trà, từ vàng hổ phách tới nâu đỏ. Dưới đây là một vài đặc trưng của dòng trà này :
- Ô Long Cao Sơn là loại trà Ô Long phổ biến nhất tại Đài Loan và nổi tiếng toàn thế giới. Hầu hết trà Ô Long ở Việt Nam là loại trà này.
- Thiết Quan Âm hoặc Đại Hồng Bào, Đông Phương Mỹ Nhân… cũng được xếp vào loại trà Ô long.
- Trà Ô Long Nhân Sâm là loại trà Ô Long được tăng dược tính và hương vị bằng cách trộn với hỗn hợp các vị thảo mộc khác như nhân sâm, cam thảo, hoa mộc…
Công dụng của Trà Ô Long
Giúp tinh thần tỉnh táo
Thành phần dinh dưỡng trong trà Ô Long có chứa caffeine. Đây là một loại chất sẽ giúp kích thích được đầu óc người uống trà, tạo cảm giác thoải mái thư giãn, giúp giảm stress, căng thẳng mệt mỏi một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Hỗ trợ giảm cân
Các nhà khoa học tin rằng hợp chất polyphenol trong trà có thể tăng cường trao đổi chất và giảm lượng chất béo hấp thụ qua chế độ ăn uống của bạn. Những chất chống oxy hóa polyphenol này cũng sẽ kích hoạt các enzyme giúp bạn sử dụng chất béo dự trữ trong cơ thể.
Một nghiên cứu cho thấy trà ô long có thể đốt cháy khoảng 2,9% – 3,4% tổng lượng calo của cơ thể mỗi ngày. Điều này là do caffeine cũng như hợp chất polyphenol có trong trà giúp trà có tác dụng giảm cân.
Cải thiện hệ miễn dịch
Trà Ô Long là loại trà được lên men bán phần từ 20-50% vì vậy lượng chất tannin trong trà vẫn không bị mất đi mà ngược lại còn được giữ lại ở mức đáng kể. Nhưng đáng nói ở đây chất tannin có trong trà này là yếu tố có tác dụng kháng lại được một số vi khuẩn, vi rút gây hại cho sức khỏe, giúp hệ thống miễn dịch của cơ thể được cải thiện một cách rõ rệt, giúp hệ miễn dịch của cơ thể có thể chống chọi được với một số bệnh thường gặp như cảm cúm hay viêm dạ dày.
Ngăn ngừa tiểu đường
Các chất chống oxy hóa polyphenol trong trà có tác dụng làm giảm lượng đường huyết, đồng thời giúp tăng độ nhạy insulin.
Nhiều nhà khoa học đã chứng minh được uống trà ô long thường xuyên giúp cải thiện đường huyết rõ rệt và làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Một số kết quả nghiên cứu cho thấy những người uống 720ml trà ô long mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 thấp hơn 16%.
Tốt cho tim mạch
Thường xuyên bổ sung chất chống oxy hóa từ trà cũng có tác dụng cải thiện sức khỏe tim mạch rất tốt. Nhiều nghiên cứu cho thấy, uống trà thường xuyên có thể giúp hạ huyết áp và cholesterol cũng như làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch.
Trong một nghiên cứu gần đây, những người uống hơn 1,4l trà mỗi ngày có khả năng mắc bệnh tim thấp hơn 51% so với những người không uống trà. Nghiên cứu chuyên sâu hơn về tác dụng của trà ô long cũng cho thấy những người uống khoảng 240ml trà ô long mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn đến 61%.
Ngoài ra, thường xuyên uống ít nhất khoảng 120ml trà xanh hoặc trà ô long mỗi ngày có thể giảm nguy cơ cao huyết áp tới 46%.
Uống trà Ô Long là việc làm giúp cơ thể thu nạp thêm năng lượng và dinh dưỡng hữu ích. Trà Ô Long với những thành phần dinh dưỡng mang lại lợi ích cho sức khỏe con người xứng đáng được mệnh danh là thần dược của sức khỏe. Với công dụng trà ô long mang lại thì việc uống trà Ô Long hàng ngày là một việc làm cần được khuyến khích. Ngoài ra để trà Ô Long được phát huy hết khả năng ưu trội của mình thì việc uống trà cũng cần được kết hợp với việc luyện tập, nghỉ ngơi đúng cách và hợp lý. Có như vậy cơ thể của chúng ta mới thực sự hấp thu được tất cả những tinh túy mà trà Ô Long thần dược của sức khỏe mang lại.
Cách pha trà Ô Long
Trà Olong là những sợi trà có hình dạng vo tròn, chắc, nặng. Nên khi pha trà, phải sử dụng nước có nhiệt độ cao, tầm 90-95 độ để phát huy hết được hương và vị của trà. Nếu dùng nước có nhiệt độ thấp sẽ làm cho trà không nở bung ra được, nước trà sẽ nhạt và trơ vị.
- Bước 1 : Làm nóng ấm chén – rót nước sôi vào đảo đều trong ấm và rót ra các chén để làm nóng ấm chén.
- Bước 2 : Đánh thức trà – Cho trà vào ấm, lượng trà bao nhiêu là tùy theo khẩu vị của bạn. Rót nước sôi vào ấm trà, làm sao để nước vừa đủ sấp mặt trà, lắc nhẹ ấm rồi rót ra liền và bỏ nước này đi.
- Bước 3 : Pha Trà – bạn tiếp tục rót nước sôi vào trong ấm trà, lượng nước tuỳ thuộc vào số chén trà bạn muốn rót. Hãm trà trong khoảng 20-25 giây, sau đó rót toàn bộ trà trong ấm vào chuyên, rồi rót ra các chén trà. Sau khi đã rót hết trà trong ấm ra, mở nắp ấm để xác trà nguội bớt. Khi nào uống lần tiếp theo thì lại tiếp tục châm thêm nước vào ấm.
- Bước 4 : Thưởng trà – giờ trà của bạn đã sẵn sàng, bạn có thể thưởng thức chúng.
Bách Liên Tổng Hợp