“Long Tuyền” 龍泉 là tên gọi của một dòng gốm sứ Trung Hoa với màu sắc điển hình như màu xanh của ngọc, xanh “green”. Người Trung Hoa xếp chúng vào nhóm “thanh từ” 青瓷, tức là gốm sứ màu xanh. Khái niệm “thanh từ” 青瓷 có nội hàm rộng hơn, trong đó bao gồm những dòng gốm men xanh từ thời Hán, Lục Triều, Đường, cho đến thời Tống với các dòng như Diệu Châu diêu 耀 州 窯, Nhữ diêu 汝 窯, Long Tuyền diêu 龍 泉 ; và kể cả các dòng men xanh ở những triều đại sau này.
Phương Tây gọi dòng gốm sứ này là “celadon”, và gọi theo cách hiểu của đa số người sưu tầm Việt là đồ “C” hoặc “men ngọc”, hoặc nhiều khi cũng gọi tắt cho dòng gốm sứ này là “Ngọc Long Tuyền”. Rõ ràng, đó là một cái tên sang trọng, quý phái!
Theo các tài liệu khảo cổ, Long Tuyền được sản xuất từ khoảng năm 950 đến 1550. Các lò nung chủ yếu nằm ở quận Lệ Thủy 麗 水, về phía tây nam tỉnh Chiết Giang 浙江, thuộc nam Trung Hoa; và một số ở phía bắc của tỉnh Phúc Kiến 福 建. Nhìn chung, tổng cộng có khoảng 500 lò đã được phát hiện. Đây là cơ sở để kết luận rằng việc sản xuất dòng gốm sứ này đã từng rất phát triển và mở rộng trên quy mô lớn, khiến các lò nung trở thành một trong những khu vực sản xuất lớn nhất trong lịch sử gốm sứ Trung Hoa.
Ở một góc độ nào đó, có thể hiểu khái niệm “celadon” của phương Tây tương ứng với khái niệm “thanh từ” của người Trung Quốc.
Việc sản xuất celadon, như đã nói, có từ trước thời Tống. Tuy nhiên, cũng như nhiều dòng gốm sứ khác, đến thời Tống, celadon mới thực sự có những bước tiến vượt bậc. Trước hết là giai đoạn đầu – Bắc Tống (906 – 1127) đã tạo ra rất nhiều sản phẩm chất lượng cao, tạo hình phong phú, mĩ thuật tinh tế… như dòng Diệu Châu diêu và đỉnh cao là Nhữ diêu – một dòng quan diêu – phục vụ cho triều đình với số lượng hạn chế. Nhưng đến giai đoạn Nam Tống (1127-1279) thì việc sản xuất celadon mới lên tới đỉnh điểm và tiêu biểu chính là celadon Long Tuyền. Ở giai đoạn này triều đình có sự quan tâm lớn hơn nên quy mô sản xuất mới thực sự được mở rộng và chất lượng sản phẩm cũng vượt xa giai đoạn trước đó. Và cũng từ đây celadon Long Tuyền không chỉ sản xuất để phục vụ cho nhu cầu nội địa mà đã hướng ra thị trường bên ngoài. Như những dòng gốm sứ khác thời Nam Tống, celadon Long Tuyền đã xuất khẩu sang nhiều nước láng giềng, và có lẽ, Việt Nam là nhiều hơn so với các nước trong khu vực. Điều này hoàn toàn logic, vì trước hết là khoảng cách địa lý giữa nước ta với Trung Quốc; thứ hai là sự ảnh hưởng văn hoá của Trung Quốc lên Việt Nam sâu sắc hơn nhiều so với những quốc gia khác ở Đông Nam Á lúc đương thời. Ngoài ra có thể là tâm lí ưa chuộng các sản phẩm gốm sứ “thiên triều” của tầng lớp quý tộc nước ta. Thực tế này còn kéo dài cho tới thời Trịnh – Nguyễn phân tranh và cuối cùng là vương triều Nguyễn mà biểu hiện rõ nét đó chính là dòng sứ men lam đặt làm tại Trung Hoa (gọi tắt là Kí Kiểu).
Cũng nói thêm rằng các sản phẩm thời Nam Tống luôn có mặt trên nước ta nhiều hơn so với thời Bắc Tống. Có lẽ, một là do yếu tố thời gian (lùi xa hơn) và quy mô sản xuất (hẹp hơn); hai là yếu tố không gian, thời Nam Tống các lò gốm di chuyển về phương Nam theo triều đình vì vậy càng gần với lãnh thổ nước ta hơn, đồng thời giai đoạn này việc sản xuất được tiến hành trên quy mô hơn.
Có thể nói màu men của ngọc Long Tuyền luôn có sức hút mạnh mẽ đối với thị trường trong và ngoài lãnh thổ Trung Hoa; sự mê hoặc của nó không chỉ bởi cái màu tựa như ngọc bích mà còn bởi người ta tin rằng nó có thể dùng để phát hiện ra độc tố bằng cách tự biến đổi màu sắc. Đây có thể là sự phản ánh cho sự yêu chuộng dòng gốm sứ này quá lớn dẫn tới sự ra đời của nhiều câu chuyện nhuốm màu sắc li kỳ huyền bí về nó mà thôi!
Một điểm rất đáng lưu ý: celadon Long Tuyền nên được phân loại là gốm (earthenware/ stoneware) hay là sứ (porcelain)? Điều này không hề dễ dàng. Nếu theo tiêu chí phương Tây, các dòng celadon luôn được xem là stoneware (cốt đá), nghĩa là không phải sứ. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc họ chỉ phân loại thành hai lớp: gốm nhẹ lửa (low-fired earthenware) và sứ nặng lửa (high-fired porcelain). Trong khi đó celadon Long Tuyền thường được nung ở nhiệt cao thì hẳn nhiên nó phải là đồ sứ (porcelain). Nhìn chung sự phân loại này chưa có hồi kết. Theo quan điểm cá nhân tôi, dựa trên quan sát các hiện vật thấy rằng đối với celadon Long Tuyền cần phân thành hai loại: gốm và sứ. Vì lẽ, một bên là những hiện vật với cốt đất có màu xám và nung nhiệt không quá cao nên tiếng kêu đục, men hay rạn theo thời gian. Và một bên là cốt có màu gần như trắng (sát với cốt sứ), nung ở nhiệt rất cao; nên đanh chắc, tiếng kêu vang, ít hoặc không bị ran theo thời gian. Loại thứ hai này phải xếp vào nhóm sứ (porcelain) mới hợp lý với tính chất kĩ thuật, sự sáng tạo, công sức lao động của người nghệ nhân xưa.
Màu chủ đạo của celadon Long Tuyền là xanh ngọc, xanh “green” nhưng thực tế có các sắc thái khác nhau trên một dải rộng từ màu xanh xám, xanh ô-liu; đến xanh lam và cả xanh lục (nhưng ít phổ biến). Đặc biệt hơn, còn có một số mẫu màu nâu vàng. Màu này trên gốm sứ ngọc Long Tuyền là khá ít và rất độc đáo.
Cũng lưu ý rằng ngay cùng một màu men thì các sắc độ có thể khác nhau bởi tính chất dòng đồ phục vụ cho các giai tầng trong xã hội. Theo quan sát, màu men ngọc thuộc “quan dụng” có màu sắc xanh ngọc hơi có ánh lam, như sự giao hòa giữa hai màu lục thủy và thiên thanh, trông rất tươi sáng, sang trọng. Nhìn chung loại này có sự gần gũi về màu đối với dòng Nhữ diêu trứ danh. Đây cũng là một lí do khiến một số nhà sưu tầm nước ta thỉnh thoảng nhầm lẫn – cứ hay lấy một món đồ celadon Long Tuyền đang sở hữu đem so với những món Nhữ diêu đã đấu giá trên thị trường quốc tế.
Về kiểu dáng và trang trí, có thể nói các sản phẩm ngọc Long Tuyền hết sức phong phú, đa dạng: tạo tác từ đơn giản đến phức tạp cầu kỳ. Điều này cũng dễ hiểu vì có hơn 500 lò sản xuất và trải qua lịch sử hơn 500 năm. Theo quan sát, kinh nghiệm, có hai điểm cần nhận diện: một là, các celadon Tống thường có sự tinh tế, sắc sảo hơn trong việc tạo thai cốt cho đến đường nét trang trí; hai là các celadon Nguyên, Minh thì mới chú ý đến nhiều sản phẩm có kích thước lớn hơn. Thực ra, không chỉ dòng celadon, mà hầu như các dòng đồ Tống thường làm ở kích thước nhỏ hoặc vừa phải, có lẽ đây là một xu hướng, quan niệm thẩm mĩ của cả xã hội lúc bấy giờ.
Nhìn chung celadon Long Tuyền đã tiếp nối và kế thừa từ những tinh hoa của celadon Bắc Tống. Đó là một loại celadon được sản xuất tại phía bắc Trung Hoa. Nó cũng có nhiều điểm tương tự so với celadon Long Tuyền, tuy nhiên cũng có không ít sự khác biệt về bản chất. Hẳn nhiên, nó được ra đời từ thời Bắc Tống và cũng dần kết thúc khi nhà Tống bị quân Kim chiếm đóng buộc phải dời kinh đô xuống phía Nam Trung Hoa.
Sau thời Tống, ngọc Long Tuyền tiếp tục được sản xuất kéo sang đến hết thời Nguyên (1271 – 1368) và mãi đến giai đoạn đầu của thời Minh. Và như một quy luật, sau cao trào sẽ đến thoái trào, sự xuất hiện của sứ thanh hoa từ Cảnh Đức Trấn đã khiến cho celadon Long Tuyền có một kết cục tương tự như dòng Qingbai. Có lẽ, đây là quy luật chung mà tất cả những dòng gốm sứ đơn sắc (monochrome) phải khép lại và nhường chỗ cho một dòng gốm sứ mới, một thời kỳ mới – thời kỳ rực rỡ của màu chàm cobalt được nhập từ Trung Đông bắt đầu. Đây cũng là một tâm lí chung của con người – luôn thích thú với những điều mới mẻ. Điều an ủi đối với dòng men ngọc Long Tuyền là dù sao nó cũng được kéo dài hơn so với Qingbai và trong suốt triều Nguyên vẫn có những tác phẩm xuất sắc không kém gì thời Nam Tống.