Như nhiều nước trên thế giới, Nga cũng là một trong những quốc gia yêu chuộng trà. Trà là thức uống gần gũi với mọi tầng lớp người dân Nga, như một phần không thể thiếu của ẩm thực nước này. Cũng như Nhật, Trung, Hàn hay Việt Nam, người Nga cũng có văn hóa trà đạo riêng của họ. Cùng Bách Liên tìm hiểu nghệ thuật và văn hóa trà đạo của Nga trong bài viết.
Lịch sử và hành trình trà du nhập vào Nga
Trà đã được du nhập vào Nga năm 1638, khi Nga hoàng Mikhail Đệ Nhất còn tại vị. Vào khoảng năm 1636, Nga hoàng phái sứ giả Vassili Starkov đến Altyn Khan, Mông Cổ và được vua Mông Cổ tặng 250 pound trà. Ban đầu Starkov từ chối do không biết cách sử dụng loại lá khô này. Nhưng do vua Mông Cổ quá kiên quyết nên vị sứ giả này đành nhận và mang loại vật phẩm này về Nga. Từ đó, trà chính thức du nhập vào Nga và trở thành một thức uống được yêu thích của giới quý tộc.
Năm 1679, Nga đã ký kết một hiệp ước về nguồn cung cấp trà cố định với Trung Quốc thông qua con đường vận chuyển bằng lạc đà để đổi lấy lông thú. Tuy nhiên, con đường thương mại quá khó đi này đã làm cho chi phí vận chuyển trà rất cao. Vì vậy loại đồ uống này chỉ có sẵn cho hoàng gia và giới giàu có của Nga.
Năm 1689, hiệp ước Nerchinsk được ký kết, chính thức hóa chủ quyền của Nga đối với Siberia, và cũng chính thức công nhận việc tạo ra con đường trà mà các thương nhân đã sử dụng giữa Nga và Trung Quốc. Do khí hậu phía Bắc của Nga vô cùng lạnh nên đã hình thành nên thói quen uống trà nóng để làm ấm cơ thể của người dân nơi đây.
Đặc Trưng Văn Hóa Thưởng Trà Nga
Trà là một trong những thành phần vô cùng trọng yếu của văn hóa ẩm thực Nga. Theo truyền thống, người Nga thường uống trà vào buổi chiều. Nhưng sau đó, thói quen uống trà dần dần lan rộng và được người dân biến tấu thành thức uống hằng ngày, đặc biệt là vào cuối bữa ăn, trà sẽ được phục vụ chung với món tráng miệng.
Một nét đặc trưng nữa trong văn hóa Trà ở Nga là dụng cụ pha trà, thường gọi là Samovar. Ngày nay, Samovar đã trở thành biểu tượng của sự hiếu khách và tiếp đãi của xứ sở Bạch dương.
Samovar là một loại bình chứa nước truyền thống ở Nga, hay có thể hiểu là một thiết bị được dùng để đun sôi nước và đổ vào trà. Đây là một bình chứa có hình bầu dục lớn, được làm bằng kim loại, có vòi phía dưới. Để làm nóng bình người ta thiết kế thêm một ống kim loại chạy theo chiều dọc giữa lòng bình. Chiếc ống sẽ được đổ đầy nguyên liệu đốt cháy như than củi hay vụn gỗ.
Phong Cách Thưởng Trà Đặc Trưng
Khi uống trà, người Nga sẽ lấy một lượng trà nhỏ cho vào chén, thêm nước nóng từ ấm samovar. Trong bữa ăn người Nga thường sẽ chia làm 2 phần: phần đầu là thức ăn mặn và rượu, còn phần hai là trà và bánh ngọt.
Theo phong cách trà đạo của người Nga, họ sẽ uống trà cùng với một vài viên đường nhỏ, một chút mật ong hay sữa… Khi thưởng thức trà họ không cho đường trực tiếp vào cốc mà ngậm trong miệng đến khi tan dần sau đó mới nhấp từng ngụm trà. Theo họ như vậy mới không làm mất đi vị ngon đặc trưng của trà.
Người Nga uống trà cùng với bánh mì, xúc xích, phô mai hay bánh ngọt… Một số người ghiền rượu còn pha thêm vào trà một ít cognac, vodka, champgne… và thưởng thức theo cách riêng của mình.
Một điểm quan trọng tiếp theo trong cách thưởng thức trà của người Nga đó là chanh. Chanh được cắt thành từng lát mỏng sau đó cho vào tách. Có thể nói đây là cách uống trà kiểu Nga duy nhất trên thế giới. Thậm chí người ta còn cho rằng uống trà chung với chanh là phát minh của người Nga.
Ngoài ra, trà đen là một trong những loại trà yêu thích của người Nga, họ thường pha sẵn trà đen trong những chiếc ấm nhỏ để có thể dùng bất cứ khi khi nào. Tuy nhiên, phần lớn người dân Nga hiện nay lại khá ưa chuộng loại trà có hương thơm đặc trưng và mùi vị mạnh.
Thức trà được người Nga ưa chuộng
Hiện có 2 thức trà được người Nga ưa chuộng nhất là trà bánh (Плиточный чай) và trà đen/hồng trà ((черный чай). Trà Xanh cũng dấn được đón nhận và yêu thích tại nước này. Đáng chú ý là loại trà truyền thống của Nga: Russian Caravan. Loại trà này có hương khói đặc trưng được oxy hóa từ trà ô long Trung Quốc hoặc Đài Loan.
Các bước pha trà của người Nga
Bước 1. (chuẩn bị Kipyatok): Đun sôi nước bằng Samovar với lượng đủ dùng cho tiệc trà. Nước nóng dùng pha trà được gọi là Kipyatok.
Bước 2. (chuẩn bị Zavarka):
- Tráng ấm trà bằng nước sôi.
- Khi ấm trà vẫn còn nóng thêm vào 3 thìa canh trà, đậy nắp để hơi nóng làm dậy trà.
- Sau khoảng 5 – 10 giây, rót nước sôi vào ấm trà.
- Thêm 2 muỗng canh mứt dâu tây vào ấm trà (tùy thích).
Bước 3. (hãm trà): Hãm trà trong ít nhất 15 phút, đặt ấm trà trên bình Samovar để giữ nóng.
Bước 4. (phục vụ trà): Rót trà ra tách. Có thể thêm nước nóng/sữa/đường hoặc các chất tạo ngọt và thưởng thức.
Cách khác được người Nga áp dụng là pha 50gr trà trong nước sôi, mứt, giữ trong bình 3 tiếng. Cách pha này giúp nước trà trở nên đậm đặc và có hương vị nồng nàn.
Trên đây Bách Liên đã giới thiệu tới Quý bạn đọc Văn hóa trà Nga cùng các đặc điểm phong cách trà của nước này. Theo dõi trang để tiếp tục đón đọc các thông tin hữu ích và các câu chuyện về trà thú vị trên thế giới.
Bách Liên