Hương vị đặc trưng của đặc sản vùng cao luôn là thứ khiến nhiều người mê đắm. Những món đặc sản đấy từ lâu đã không còn quá xa lạ với mọi người, tuy nhiên khi nhắc trà Lam – một thức uống độc đáo của người Dao vùng Cao Bồ – Hà Giang lại khiến nhiều người không khỏi tò mò.
Trà ống lam là gì?
Chè ống lam là một trong những đặc sản độc đáo của vùng Đông – Tây Bắc Việt Nam. Loại chè này được làm từ phương pháp gác bếp cổ truyền của đồng bào người Dao. Chè ống lam hiểu đơn giản là sản phẩm chè được bảo quản trong ống cây nứa, vầu tươi, trúc để giữ được chè lâu hơn. Vừa giúp chè không bị hỏng, còn làm cho vị trà được nâng tầm khi có chất nhựa từ cây nứa tươi tiết ra qua các công đoạn chế biến.
Chỉ duy nhất những cây chè hàng nghìn năm tuổi trên vùng đất của người Dao mới đem đến thức uống có một không hai này. Vì thế chè không chỉ quý bởi số lượng ít mà còn được trân trọng bởi hương vị đánh thức mọi giác quan, đem người ta trở về với thiên nhiên, sống giữa núi rừng Tây Bắc mênh mông, thư thái.
Ngày nay, sản xuất chè ống lam vẫn được bà con các vùng chè Thượng Sơn, Cao Bồ (Vị Xuyên); Phương Độ, Phương Thiện (thành phố Hà Giang) duy trì và phát triển thành sản phẩm hàng hóa. Lưu truyền trong dân gian và tưởng như bị thất truyền vì sự xuất hiện của các phương thức chế biến, bảo quản chè mới hiện đại hơn; nhưng chè ống lam vẫn đang được nhiều người làm chè phát triển và quảng bá ra trị trường, góp phần tạo ra sự đa dạng về sản phẩm, giúp chè Shan tuyết Hà Giang vươn xa.
Quy trình sản xuất trà ống lam
Điều quan trọng nhất quyết định hương vị chè ống lam chính là khâu chế biến, từ công đoạn chọn ống nứa, nguyên liệu chè và nhất là quá trình sấy chè qua lửa vừa cầu kỳ vừa đậm chất riêng có của người vùng cao; giúp tạo ra sản phẩm chè thượng hạng mà ít lối chế biến nào có được.
Phương pháp chế biến thủ công này được truyền từ đời này qua đời khác vừa giữ được nét truyền thống, đảm bảo hương vị thơm ngon và cũng thể hiện sự sáng tạo độc đáo. Những búp trà Shan tuyết tươi non mập mạp sau khi được thu hái về được rải xuống sàn nhà cho bay hết nước còn đọng trên lá. Lá chè được cho vào chảo gang sao chín, lấy ra quạt cho nguội rồi đem vò thủ công bằng tay, sau đó để ủ đống trong khoảng 4 giờ mới tới bước tiếp theo.
Người ta cắt chọn ống tre hay ống giang còn tươi dài 20cm – 30cm, một đầu để hở, nhồi các lá chè đã ủ vào ống một cách từ từ cẩn trọng. Nhồi từng lớp, vừa nhồi vừa nén thật khéo léo, làm sao cho lá chè tạo thành từng lớp xếp chặt trong ống để khi lấy ra không bị gẫy vụn.
Bước sau cùng là đốt một đống lửa thật đượm, khi lửa cháy đều, đặt kiềng sắt lên và để từng ống trà Lam lên bếp, dùng tay xoay ống trà Lam nướng thật đều. Theo kinh nghiệm của người Dao, khi thấy mùi thơm của trà khô từ ống lam bay ra là hoàn tất khâu sấy. Từng ống trà lam được đưa lên gác trên bếp để tiếp tục hong khô cho đến mùa năm sau thì lấy dùng.
Từng công đoạn làm trà khá tỉ mỉ, đòi hỏi người thợ nắm rõ các bước, ước lượng nhiệt độ, độ lửa khi nướng để mang đến những phẩm trà . Mỗi ống lam to thường làm được từ 2 đến 3 kg trà và thông thường nếu năm nay làm thì sang năm mới dùng để đảm bảo hương vị.
Đặc trưng hương vị của trà ống lam
Đặc biệt, chè Shan tuyết Hà Giang được sử dụng để làm chè ống lam vốn đã có hương cốm và vị ngọt hậu trời ban. Khi được nhồi vào ống lam tươi làm nóng qua hơi lửa cùng quá trình lên men tự nhiên đã giúp giữ được vị và trở thành sản phẩm riêng biệt trong các phương thức chế biến.
Chè ống lam khi pha được nước hơn trà thường, hương khói bếp quyện với hương cốm nứa gói gọn tinh túy của những búp Shan tuyết thượng hạng trong ống lam.
Khi pha, nước chè có màu chỉ phơn phớt vàng như mật ong, nước chè sánh. Trên bề mặt có vương một chút “tuyết” trắng của chè. Nhấp một ngụm chè có thể nhận thấy đủ các vị: ngọt, chát, ngậy lưu mãi ở đầu lưỡi. Chờ đến lúc chè đậm hương nồng thì thấy nước vàng sậm hơn, mang hương vị của mật ong rừng. Khi để nguội chè sẽ dần ngả từ màu xanh sang màu vàng mật.
Cách pha trà ống lam gác bếp ngon
Để pha được một ấm trà ngon, đầu tiên lấy 1 lượng vừa đủ để pha 1 ấm trà. Sau đó rót nước đun sôi vào từ từ. Khâu đầu tiên quan trọng nhất phải làm cánh chè nở dậy hương và loại bỏ các bụi bặm còn bám lại sau công đoạn chế biến.
Sau đó, chế nước ở nhiệt độ khoảng 90 độ C vào ấm rồi hãm chè trong khoảng 30 – 45 giây. Khi chè chín rót toàn bộ chè trong ấm ra chuyên trà và đảo đều chè, rồi mới lần lượt rót ra các chén để thưởng thức. Chè có thể pha đến 7 lần nước liên tục mà vị chè vẫn còn đượm mùi thơm.