Thú Vui Thưởng Trà Thời Xưa đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng của người Việt. Trước kia, thưởng trà là một thói quen chỉ tồn tại trong tầng lớp danh gia vọng tộc, cao sang và quyền quý, trong khi người dân bình dân thường chỉ nấu lá trà xanh đơn giản.
Vua chúa các triều đại đã luôn coi trọng và góp phần xây dựng nét “văn hóa uống trà” đặc biệt của người Việt. Thước đo phẩm hạnh và học thức không chỉ nằm ở việc chọn trà, pha trà, mà còn ở cách mời và thái độ trong quá trình thưởng trà. Hôm nay hãy xuôi dòng lịch sử, cùng Bạch Liên khám phá thú thưởng trà của vua chúa Việt Nam thời xưa nhé!
NGUỒN GỐC CỦA TRÀ ĐẠO
Thưởng trà là “thưởng thức trà ngon và cùng đàm đạo những vấn đề trong đời sống”. Vượt ra khỏi ranh giới của việc thưởng thức trà theo cách thông thường, trà đạo ngày càng chứng tỏ vị thế vững chắc. Chúng đã trở thành bộ môn nghệ thuật thấm đẫm tinh thần triết lý và nhân văn sâu sắc.
Bắt nguồn từ Trung Hoa, văn hóa uống trà có tuổi đời hơn 4.000 năm. Thần Nông – tổ tiên của người Hoa Hạ, được miêu tả có một cái bụng trong suốt như thủy tinh. Ông có khả năng nhìn thấy rõ ràng bên trong bụng mình sau khi ăn bất kể thứ gì. Thần Nông đã nếm thử hàng trăm loại cỏ và quan sát những biến hóa xảy ra sau khi ăn. Một ngày, ông phát hiện một loài cây có lá xanh và hoa trắng, sau khi ăn lá của loài cây này giúp thanh lọc cơ thể, mang lại mùi hương thơm mát cùng cảm giác ngon ngọt. Từ đó, đặt tên là “Tra” để chỉ việc kiểm tra và giải độc. Về sau, chữ “Tra” được viết thành chữ “Trà”.
Trà đạo Việt Nam bắt từ chè Nguyên, một hình thức thưởng trà dưới thời nhà Lê. Ban đầu, chè Nguyên chỉ dành riêng cho vua chúa và quý tộc. Tuy nhiên thời Nguyễn phát triển mạnh mẽ và lan rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Không chỉ là sợi dây nối con người với nhau mà còn đại diện cho văn hóa ứng xử kính trọng, lễ nghĩa và phép tắc trong đời sống hàng ngày.
Ý NGHĨA XÂU XA VỀ THÚ VUI THƯỞNG TRÀ THỜI XƯA
Trà không đơn thuần là đồ uống, mà còn là biểu tượng của quyền lực, địa vị xã hội. Uống trà đòi hỏi sự hiểu biết về trà, tác phong cung kính lễ nghi, khiêm tốn và thanh tao. Trong cung đình, trà đã trở thành một phần không thể thiếu trong nghi lễ và văn hóa. Các buổi tiếp khách, nghi lễ, hoạt động chính trị của vua chúa luôn có sự góp mặt của trà. Thưởng trà trong cung đình được thực hiện với những nghi lễ đặc biệt, từ cách chuẩn bị trà, cách rót trà và cách uống trà, tạo nên không gian trang trọng và thanh lịch.
Việc thưởng trà không chỉ là một nghi lễ xã hội mà còn là một nghệ thuật sống. Không chỉ tập trung vào hương vị mà còn là khả năng nhìn, cảm nhận, thưởng thức nghệ thuật trà. Trong quá trình thưởng trà, cả người mời trà và người được mời trà đều tuân thủ nghi thức nghi lễ, từ cách đứng, cách nhận chén trà, cách uống và chuyển trà cho nhau. Tất cả điều này thể hiện sự kính trọng, tôn trọng và lịch sự trong giao tiếp xã hội.
Tuy đã trải qua những thay đổi theo thời gian, nhưng giá trị văn hóa và nghệ thuật thưởng trà vẫn được truyền tụng và gìn giữ. Việc thưởng trà đã trở thành một phần của quá khứ lịch sử và văn hóa của Việt Nam, đồng thời là một bức tranh tinh tú của sự tận hưởng cuộc sống và truyền thống đạo đức.
QUAN NIỆM PHA TRÀ CỦA NGƯỜI VIỆT NHƯ NÀO
Nghệ thuật trà đạo Việt gói gọn trong câu “Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh”.
- Nhất thủy: Nước trà là yếu tố quan trọng nhất trong việc pha trà. Nên sử dụng nước tinh khiết, tốt nhất là nước từ sương đọng trên lá sen. Nước trà cần được đun sôi bằng ấm đất trên bếp lò với nhiệt độ đúng đủ, không quá lửa.
- Nhì trà: Trà nên sử dụng chè tươi, chè xanh, chè nụ. Chúng cần được rửa sạch, vò kỹ bằng tay để giúp giập lá chè, làm nhỏ các cọng chè. Sau đó đun sôi khoảng 15 phút để chè ngấm, tạo ra nước trà vàng óng ánh, thơm ngon
- Tam bôi: Chén trà thường có đường kính nhỏ nhắn như hột mít hay mắt trâu. Chén quân và chén tống (chén to nhất) được chọn một cách tỉ mỉ. Khi rót trà, trà được rót vào chén tống trước rồi từ đó rót sang các chén quân.
- Tứ bình: Trước khi pha, cần tráng qua nước sôi bằng cách tưới lên bình trà. Trà trong bình cần pha vừa đủ để không quá nhạt cũng không quá đắng. Sau khi rót đủ nước pha trà ngập mặt, người pha trà đổ đi nước đầu tiên để rửa trà. Sau đó, đổ nước gần đầy bình, đậy nắp, rót một lượng nhỏ nước nóng lên nắp để giữ lại hương thơm tinh khiết của trà. Sau khoảng 1-2 phút, trà đã sẵn sàng để thưởng thức.
- Ngũ quần anh: Chỉ những người tao nhã, thanh khí mới có thể ngồi bên nhau thưởng trà. Sự hiếm có của người thưởng trà và bạn trà tạo nên giá trị đặc biệt. Chủ nhà pha trà cần tự tay chế nước và không nhờ đến người khác. Điều này tạo ra sự thành kính và tôn trọng trong thưởng trà.
DỤNG CỤ PHA TRÀ THỜI XƯA
Nghệ thuật thưởng thức trà trong cung đình phải hội đủ hàng chục yếu tố. Trong đó quan trọng hàng đầu và không thể thiếu là bộ dụng cụ pha trà.
Một bộ đồ trà thời xưa thường gồm các món như tống (tướng), tốt (quân), dầm và bàn. Tống (tướng) là chén lớn chứa nước trà rót từ ấm, đợi cặn trà lắng mới chuyển sang chén tốt. Tốt (quân) là các chén nhỏ dùng để thưởng trà. Dầm là chiếc dĩa để đặt chén tống. Bàn là chiếc khay nhỏ có chức năng giữ và di chuyển các chén tốt.
Mỗi bộ đồ trà sử dụng vào một mùa thích hợp tạo ra sự tương thích giữa trà và mùa. Bộ đồ trà xuân – thu ẩm có miệng đứng, thành cao và xương sứ có độ dày trung bình. Bộ đồ trà hạ ẩm miệng loe rộng, thành thấp, lòng nông và xương sứ mỏng để trà nhanh nguội. Bộ đồ trà đông ẩm miệng kín, thành cao, lòng sâu và xương sứ dày để giữ nhiệt lâu hơn.
Các loại trà phục vụ vua chúa gồm nhiều hương vị khác nhau, tuỳ vào sở thích của từng người. Chúng làm từ các loại thảo mộc như hoa cúc, cỏ ngọt, đẳng sâm, hoài sơn, đại táo, hồng táo… Mặc dù các ghi chép lịch sử không còn hoàn chỉnh, nhưng chúng đã giúp phác họa một phần trong cách thưởng trà tinh tế của vua chúa Việt Nam thuở xưa.
Có thể nói, thưởng trà đã trở thành thú vui tao nhã, một nét văn hóa thiêng liêng gắn với đời sống và tâm linh người Việt. Nhấp tách trà tinh túy, con người sảng khoái, giao hòa với thiên nhiên và đất trời, cảm nhận vị ngọt hậu đọng mãi như một triết lí nhân sinh “khổ tận, cam lai”.
Bạch Liên Tổng Hợp